Biết trước nguy hiểm đến nhưng có thể chuyển nguy thành an mới là Tuấn Kiệt |
“Biết thời thế mới là Tuấn Kiệt” là một câu nói vàng ngọc được đúc kết từ những kinh nghiệm quý báu của tổ tiên để lại, không thể không đúng. "Biết thời thế" hàm ý là chỉ sự hiểu biết về thay dổi của môi trường khách quan để có sự đối ứng thích hợp. Mọi tình huống trong cuộc sống luôn biến hóa rất phức tạp. Vì vậy đối với ý nghĩa sinh tồn thì “Biết thời thế” có hai dụng ý :
1. Phòng bị trước :
Tức là ta phải có dự phòng trước, hoặc khi xảy ra bất cứ việc gì cũng phải mau lẹ hơn đối phương để nắm bắt được lợi thế. Cho nên ta phải luôn chú ý đến sự thay đổi của môi trường, thu thập những ý kiến của người khác, đánh giá sự phát triển trong tương lai. Như vậy sẽ có thể tránh được sự tổn hại đến mức thấp nhất khi có việc bất ngờ xảy đến, đồng thời hành động phải nhanh hơn người khác một bước.
2. Linh hoạt ứng phó với tình hình thay đổi, chuyển nguy thành an:
Khi gặp nguy hiểm, cách tốt nhất là nên giữ vững ý chí, nhận định đối phương rồi tìm cách xử lý phù hợp sao cho có lợi cho mình. Thường thì đã lâm vào tình trạng nguy hiểm thì hiếm khi ta có thể chuyển nguy thành an nếu như không có tác động mạnh mẽ của ngoại lai trợ giúp. Chắc chắn chúng ta ít nhiều cũng sẽ bị tổn hại, nhưng nếu đứng vững được thì cũng là “Tuấn Kiệt” rồi.
- Tuy nhiên, để cho tình trạng nguy hiểm xảy ra thì chưa phải là "Tuấn kiệt" hoàn toàn. Người “Biết thời thế” bao giờ cũng phán đoán và dự trù được những nguy hiểm sẽ xảy ra, luôn luôn có sự phòng bị trước. Còn như nếu không ngăn cản được nguy hiểm mà vẫn có thể chuyển nguy thành an thì mới thật là “Tuấn Kiệt”, xứng đáng để cho người nể phục.
- Song điều đáng để bàn luận ở đây không phải là làm như thế nào để hóa giải nguy cơ một cách trí tuệ, mà phải là biết linh hoạt ứng phó với các tình hình thay đổi, thuận theo thay đổi ấy để có thể chuyển nguy thành an. Một người bình thường nếu đối mặt với những nguy cơ thì ngoài suy nghĩ đến khả năng của bản thân ra thì còn nghĩ đến thể diện, địa vị, sự thiệt hại về tiền của v.v.. và tất nhiên sẽ rất do dự trong quyết đoán.
- Thật ra những thứ đó chỉ có giá trị trong lúc chúng ta đang bình yên mà thôi. Một khi nguy cơ đưa đến, tức là ranh giới giữa sự sống và cái chết gần kề thì những giá trị ấy không đáng một xu. Thậm chí còn trở thành gánh nặng, làm cho ta sai lầm khi quyết đoán. Ta cứ nghĩ xem, nếu ta thất bại bị rơi xuống đáy sâu của xã hội hay trở thành kẻ bại tướng trên chiến trường thì còn thể diện hay tư cách gì nữa ư ?
Chúng ta thiếu xót trong tính toán, để cho nguy hiểm xảy đến nhưng không còn cách nào tháo gỡ thì phải làm sao ? Dĩ nhiên, đây là trường hợp xấu nhất nhưng nếu như ta “Biết thời thế” mà rút lui đúng lúc để bảo tồn danh dự thì cũng có thể gọi là “Tuấn Kiệt”. Còn như liều lĩnh mang hết thực lực để sống chết một phen, cho rằng dù chết cũng vinh quang, thì đó mới chính là thiếu tính thức thời, không được xưng tụng là “Tuấn Kiệt”.Ví như Hàn Tín xuyên qua biết bao công trận, mưu lược như thần, không ai không thán phục nhưng cũng chỉ được người đời coi là “Anh hùng kiệt xuất” mà thôi. Nếu nói về “Tuấn Kiệt” thì còn thua xa Trương Lương, Trần Bình, những kẻ sĩ không có sức mạnh bằng một tên quân. Hoặc nhưTôn Võ, một đại sư về binh pháp. Biết lúc nào nên làm, dám chém đầu cả ái phi của Ngô Vương khi biết mình có thể, nhưng lại biết rút lui khi không còn thời thế. Vui vẻ ra đi chẳng luyến tiếc công lao hãn mã của mình. Trước khi từ biệt Ngũ Viên, Tôn Võ còn tiên đoán sau này chính nước Việt mới là cường quốc tiêu diệt nước Ngô. Thế thì tại sao ông không qua nước Việt phò tá ? “Tuấn Kiệt” hay không chính là điểm này. Nhưng Tôn Võ không phải là người thích “Gió chiều nào xuôi chiều ấy”, Ông không thể làm người vừa giúp Ngô xong rồi lại qua giúp Việt. “Biết thời thế” thì còn nhiều phương cách đối phó mà rút lui ẩn dật cũng là một phương cách khiến người đời kính phục vô cùng.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét